DI TÍCH LỊCH SỬ
Vụ thảm sát tại hầm, vườn và nhà
ông Nguyễn Thép (Thơ)
(Thôn 6, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)
LÝ LỊCH DI TÍCH:
1. Tên gọi di tích: Vụ thảm sát tại hầm và nhà ông Nguyễn Thép (Thơ).
2. Địa điểm và đường đi đến:
Nhà ông Nguyễn Thép hiện nay thuộc thôn 6, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Từ ngã tư Hà Lam (Thị Trấn Hà Lam) huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, đi về hướng Đông Bắc theo đường ĐT 613 (Duy An Hoà Tây) của xã Bình Dương, từ đây rẽ về hướng Nam khoảng 250m là đến di tích.
3. Sự kiện lịch sử:
Năm 1969 địch dùng chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” thực chất của chiến lược này là sử dụng quân viễn chinh Mỹ làm chỗ dựa để dùng “Người Việt đánh người Việt”. Chính phủ Mỹ từng bước rút quân để tránh bớt làng sóng phản đối chiến tranh, nhưng mặt khác lại củng cố tăng cường nguỵ quân, nguỵ quyền, chúng vừa xuống thang chiến tranh nhưng cũng vừa phản công và tiến công rất quyết liệt để chống lại phong trào cách mạng.
Ở Quảng Nam lúc này bọn chúng cũng áp dụng lược sách trên. Đứng trước tình hình và nhiệm vụ mới Tỉnh uỷ Quảng Nam chỉ đạo huyện Thăng Bình triệu tập đại hội lần thứ 8 tại Hố Lửa, xã Bình Phú, đại hội quán triệt tình thần chỉ thị về củng cố toàn diện và liên tục đánh bại mọi ý đồ, âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”.
Tại xã Bình Dương huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đầu năm 1969 địch tăng cường quân số lên đến: 4 tiểu đoàn lính Mỹ, ba liên đoàn Biệt động quân (39, 11, 21), một trung đoàn Cộng hoà, 8 đại đội Bảo an cùng hàng trăm máy bay, xe tăng, xe lội nước và pháo từ hạm đội và các căn cứ:
Tuần Dưỡng, Núi Quế, Sơn - Cẩm – Hà, Núi Cấm, An Hà, bắn trước dọn đường quân bộ binh tràn vào sau.
Mặc cho bom, đạn tràn ngập và tiếp đến là quân bộ binh càn quét lùng sục, nhưng quân và dân Thăng Bình, Tam Kỳ đánh trả quyết liệt, gây cho địch nhiều tổn thất lớn.
Khi đánh chiếm được một số xã của vùng Đông Tam Kỳ, Thăng Bình, địch tập trung đánh trọng điểm vào các xã: Bình Giang, Bình Dương, Bình Triều…Qua nhiều lần càn quét đánh phá trên mọi phương diện, địch tăng cường máy bay, xe tăng, quân chủ lực… Sau 10 ngày đánh phá, càn liên tiếp địch bị quân và dân vùng Đông Thăng Bình diệt 100 tên, bắn rơi một máy bay, bắn cháy nhiều xe tăng, thu nhiều vũ khí, đạn dượt.
Càng thất bại bọn địch càng điên rồ chém giết dân thường vô tội, trước khi rút quân khỏi xã Bình Dương địch cho lữ đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn (Nam Triều Tiên) vào xã Bình Dương ngày 12/11/1969 (tức ngày 30/10 âm lịch) gây ra nhiều vụ thảm sát rất dã man.
Vụ thảm sát tại hầm, nhà, vườn ông Nguyễn Thép (Thơ) ngày 12/11/1969 cùng ngày với 3 vụ khác ở Bình Dương, tại đây địch giết hại 54 người chủ yếu là cụ già, phụ nữ và trẻ em. Có nhiều gia đình bị giết sạch, bỏ vườn không nhà trống.
Trên đây là vụ thảm sát mà địch gây ra tại vườn, hầm, nhà ông Nguyễn Thép ở xã Bình Dương vào ngày 12/11/1969. Hành động rất dã man, vô nhân đạo bọn địch gây cho nhân dân xã Bình Dương biết bao đau thương tan tóc.
4. Khảo tả di tích:
Hiện nay, khu vực xẩy ra vụ thảm sát không có người ở. Hầm, nhà, vườn ông Nguyễn Thép không có người cư trú. Ngôi nhà trước kia của ông Thép cùng với những hầm trú ẩn trong vườn do chiến tranh tàn phá đã không còn nữa. Trong khu vực này có nhiều phần mộ chôn cất những nạn nhân của vụ thảm sát.
5. Loại hình di tích: Di tích lịch sử
6. Giá trị khoa học lịch sử:
Vụ thảm sát tại hầm, vườn, nhà ông Nguyễn Thép (Thơ) ghi lại tội ác dã man của địch đối với nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Vụ thảm sát tại hầm, vườn, nhà ông Thép càng làm nung nấu thêm tinh thần yêu nước quật cường, lòng căm thù giặc sâu sắc của nhân dân Bình Dương nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, quyết một lòng siết chặt tay nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến ngày thắng lợi cuối cùng.