DI TÍCH LỊCH SỬ
Nhà bà Lưu Thị Nhiên (Cơ sở cách mạng)
(Thôn Cao Ngạn, xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)
LÝ LỊCH DI TÍCH:
1. Tên gọi di tích: Nhà bà Lưu Thị Nhiên – Cơ sở cách mạng trong kháng hiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
2. Địa điểm và đường đi đến:
Bà Lưu Thị Nhiên ở thôn Cao Ngạn (thôn 7) xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nhà bà Lưu Thị Nhiên cách Thị Trấn Hà Lam khoảng 22km về hướng Đông Bắc. Từ ngã tư Hà Lam đi theo quốc lộ 14E về hướng Tây Nam, đi khoảng 17km là đến UBND xã Bình Lãnh, từ UBND xã Bình Lãnh đi khoảng 200m rẽ trái, đường vào Cao Ngạn đi khoảng 5km là đến trường học của thôn, từ đây lại rẽ trái đi khoảng 700m là đến di tích (qua con suối).

3. Sự kiện lịch sử:
Thôn Cao Ngạn (dân gian là gọi là hồ Cao Ngạn) tên gọi có từ bao đời nay. Thung lũng Cao Ngạn tứ bề là núi rừng, nơi trũng nhất là hồ chứa nhiều nước. Vùng Cao Ngạn như một căn cứ lõm, đất không rộng, người không đông (thời kháng chiến chống Mỹ chỉ có 22 gia đình) sinh sống nhờ vào nương rẫy và mấy đám ruộng gập ghềnh, vậy mà họ có lòng yêu nước vô bờ bến.
Hai mươi hai hộ gia đình ở đây đều là cơ sở cách mạng của hai cuộc kháng chiến (chống Pháp và chống Mỹ). Nhà bà Lưu Thị Nhiên là cơ sở tiêu biểu nhất.
Cao Ngạn là vùng trũng chung quanh rừng núi, cây cối rậm rạp, dân làng là những người chân chất quanh năm vất vả, yêu quê hương, yêu cuộc sống yên bình nên mỗi khi có giặc xâm lăng họ sẵn sàng hiến dâng hết tất cả cho quê hương, cho sự yên bình. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, gia đình bà Nhiên là cơ sở cách mạng và tiếp tục nuôi dấu cán bộ cho đến năm 1975. Những đồng chí đã từng hoạt động và trụ bám ở đây rất nhiều. Xin nêu một số người như: Nguyễn Đức Bốn (nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ, nguyên phó bí thư Huyện uỷ Thăng Bình), nay nghỉ hưu tại thành phố Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Mẹo, Lê Hoàng, Nguyễn Đức Chính… cũng từ cơ sở trung kiên này các đồng chí lãnh đạo của huyện, tỉnh đã chọn khu Vườn Vông sát nhà bà Nhiên để đóng cơ quan Huyện uỷ và Trạm xá huyện.
Nhà bà Lưu Thị Nhiên là cơ sở cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và tồn tại cả thời gian dài trong kháng chiến chống Mỹ. Mặc dù bị địch nghi ngờ, bắt bớ, tra tấn, tù đầy với những thủ đoạn rất dã man, gây thương tật đến bây giờ, nhưng bà vẫn một lòng trung kiên với Đảng, với cách mạng, quyết bảo vệ cơ sở đến cùng nên địch không thể khai thác được ở bà những tin tức gì. Tại chính ngôi nhà bà có nhiều hầm bí mật, là nơi ẩn núp hoạt động thường xuyên của các cán bộ Huyện uỷ lúc bấy giờ.
Hiện nay tại ngôi nhà cũ (cơ sở cách mạng) bà giao cho con trai bà ở, bản thân bà được Nhà nước xây cho ngôi nhà tình nghĩa ở gần UBND xã Bình Lãnh.
4. Khảo tả di tích:
Nhà bà Lưu Thị Nhiên – cơ sở cách mạng ở sát Vườn Vông nơi đóng cơ quan huyện và trạm xá huyện Thăng Bình từ 1967 đến 1971, ngoài vườn có hai hầm bí mật để nuôi dấu che chở cán bộ cách mạng, chung quanh vườn có nhiều cây cối rậm rạp. Ngôi nhà tranh của bà không rộng, là nơi thường xuyên có nhiều đoàn cán bộ của ta ẩn trú, ăn ở, đi lại ra vào cơ quan Huyện uỷ và trạm xá vì nhà bà ở ngay trong khu vực rừng Vườn Vông, sau chiến tranh ngôi nhà cũ không còn, năm 1975 gia đình về dựng lại ngôi nhà khác (nhà hiện nay) con trai bà Nhiên đang ở. Trong nhà bà hiện nay còn một số vật dụng trong gia đình được cải tiến từ những mãnh bom vỡ của địch. Vừa qua bà đã tặng cho Bảo tàng Quảng Nam một cái soong (đã từng được dùng để nấu cơm nuôi cán bộ) được gò bằng nhôm của máy bay địch do quân ta bắn rơi.
5. Loại hình di tích: Di tích lịch sử
6. Giá trị khoa học lịch sử: Cơ sở cách mạng nhà bà Lưu Thị Nhiên ở thôn Cao Ngạn, xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình tồn tại một thời gian lâu dài trong kháng chiến chống Mỹ, góp phần làm nên thắng lợi mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Gia đình bà Lưu Thị Nhiên là gia đình có truyền thống cách mạng từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ, do vậy nhà bà đã trở thành một cơ sở cách mạng vững chắc nuôi dấu cán bộ, chiến sĩ từ cơ sở đến Khu Uỷ khu V.